Tính cách Lưu_Nghị_(Tây_Tấn)

Tháng giêng năm Thái Khang thứ 3 (282), đế tế Nam giao, làm lễ xong, trầm ngâm hỏi Nghị rằng: “Khanh cho rằng trẫm sánh với đế nào của nhà Hán?” Nghị đáp: “Có thể sánh với Hoàn, Linh.” Đế nói: “Ta dẫu đức không bì với người xưa, nhưng cũng khắc kỷ trị lý. Còn bình định Ngô Cối, thống nhất thiên hạ. Sánh với Hoàn, Linh là quá lắm vậy.” Nghị đáp: “Hoàn, Linh bán quan, tiền vào kho công; bệ hạ bán quan, tiền vào túi riêng. Cứ theo lời này thì sợ rằng không bằng đấy!” Đế cả cười rằng: “Thời Hoàn, Linh không nghe được lời này. Nay có bề tôi ngay thẳng, nên hơn được họ!” Tán kỵ thường thị Trâu Trạm tiến lời rằng: “Đời bàn luận lấy bệ hạ sánh với Hán Văn đế, lòng người phần nhiều không đồng ý. Xưa Phùng Đường trả lời Văn đế, nhắc việc không dùng được Pha, Mục khiến Văn đế giận, nay Lưu Nghị nói năng phạm thượng mà bệ hạ vui vẻ. Cứ đem việc này so sánh, thánh đức đã vượt qua ông ta rồi.” Đế nói: “Ta bình thiên hạ mà không làm lễ Phong Thiện, đốt áo lông đầu trĩ, hành lễ bằng áo vải [lower-alpha 3], khanh không nói gì. Nay gặp việc nhỏ, sao khen ngợi lắm vậy?” Trạm nói: “Thần nghe mãnh thú ở ruộng, chọc mác thì ra, người tầm thường có thể làm được. Ong bọ đâm dưới lớp áo, người mạnh mẽ bị chúng làm cho kinh hãi, là sự cố ngoài ý muốn vậy. Vua tôi tự nhiên có phân biệt tôn ti, nói năng tự nhiên có phân biệt nghịch thuận. Nhắc đến Lưu Nghị mới nói xong, bọn thần chẳng ai không biến sắc. Bệ hạ đáp lại thật hiếm có, bày ra biểu hiện ngoài suy nghĩ của mọi người; thần vì thế mà chúc mừng, chẳng nên hay sao!?” [1][3]

Tháng giêng năm Thái Khang thứ 5 (284), có rồng xuất hiện trong giếng của Vũ khố, đế đích thân đến xem, ra vẻ vui mừng. Trăm quan chúc mừng, Nghị một mình dâng biểu nói: “Xưa rồng giáng ngoài cửa Thì của nước Trịnh, Tử Sản không chúc mừng. Rồng giáng cung đình nhà Hạ, nước dãi chảy không dừng, thầy bói thu lấy chỗ nhầy ấy, đến thời Chu U vương thì mầm vạ mới phát ra. Kinh Dịch nói ‘'tiềm long vật dụng, dương tại hạ dã’ (tạm dịch: rồng lặn chớ dùng, Dương ở dưới vậy). Căn cứ kinh điển, không lễ tiết chúc mừng rồng.” Vũ đế giáng chiếu trả lời: “Chánh đức chưa sửa sang, nên chưa dám tiếp nhận điềm lành. Xem lời tâu, lấy làm giật mình. Việc chúc mừng nên dựa theo điển nghĩa, có gì thì báo ngay.” Bọn Thượng thư lang Lưu Hán bàn rằng: “Mình rồng xanh sẫm, lẫn lộn vằn trắng, ý nói việc Đại Tấn nên làm là xếp võ hưng văn. Thế mà Nghị suy diễn là hiện tượng yêu dị, để nghi ngờ điềm lành hôm nay. Còn cho rằng rồng ở giếng là ‘tiềm’, mất hết ý nghĩa. ‘Tiềm’ có ý nói: lánh nên không thấy. Nay hoa văn của rồng xán lạn, thấy rõ hình dạng, không thể nói là ‘tiềm’ vậy. Nghị đáng bị luận tội.” Đế trả lời không đồng ý. Sau đó xuất hiện dị tượng âm khí tan rồi lại hợp, Nghị nhân đó nói: “Ắt có bề tôi a dua kết đảng, gián trá phụng sự nhà vua, mới là cái cớ đáng giết mà không giết đấy.” [1][4]

Nghị đêm ngày làm việc, có lúc ngồi mà đợi sáng, nói năng ngay thẳng, không hề thiên vị, được triều dã xem là tấm gương. Từng gặp dịp Nghị tham dự cuộc trai giới của hoàng đế nhưng phát bệnh, vợ ông đến thăm. Vì trai giới không được gần đàn bà, Nghị bèn tâu đòi trị tội vợ mình. Vợ con có lỗi, Nghị phạt đòn roi; ông công chánh như vậy, nên bị xem là quá ngay thẳng, không thể làm được tể tướng. Đế cho rằng Nghị thanh bần, ban cho 30 vạn tiền, hằng ngày cấp gạo, thịt.[1]